Chem chép biển tương tự chem chép sông (nước ngọt) về hình dáng, nhưng có kích thước nhỏ hơn. Cầm trên tay mấy con chem chép biển và bóp mạnh, chú Mừng giải thích: “Chem chép biển ăn có vị ngọt hơn chem chép sông. Muốn biết chem chép nào chắc thì chỉ cần bóp nó. Nếu nước có màu đục thì chem chép chắc, còn nước trong là óp xọp”. Nói xong chú Mừng cùng mọi người tản ra khắp bãi để tìm nơi nào có nhiều chem chép. Thỉnh thoảng họ gom lại khi một người trong nhóm phát hiện ra nơi chem chép có nhiều và to. Nắng chiều nhạt nhòa trên đám lá dừa nước, chẳng mấy chốc đã tắt lịm. Mây đen vần vũ kéo đến và mưa rơi lất phất. Mặc cho sự chuyển biến xấu của thời tiết, chúng tôi vẫn lúi húi đào đất để bắt chem chép. Phía đằng xa, anh Thái vẫn đang cần mẫn làm việc và nói với lại phía chúng tôi: “Tối nay, anh luộc một mớ để chú mày ăn thử cho biết mùi vị chem chép biển thế nào. Đảm bảo chú mày sẽ khoái ngay”.
Trời sập tối, mỗi người mang trên đầu cái đèn pin, cứ thế di chuyển hết nơi này đến nơi khác. Chúng tôi cũng cất dụng cụ tác nghiệp lại và cầm xô, xẻng đi đào chem chép. Do chưa thành thục công việc nên việc đào chem chép bằng xẻng đối với chúng tôi gặp không ít khó khăn.
Trời chuyển dần về khuya, gió vẫn lồng lộng thổi, tiếng muỗi kêu vo ve cứ đeo bám chúng tôi. Con nước lớn dần, mọi người bắt đầu mang thành quả thu được lên ghe. Những thùng chứa chem chép nặng trĩu dính đầy bùn đất được mọi người rửa sạch trông rất bắt mắt và hấp dẫn.